Trẻ suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng mà còn tác động đến sự phát triển toàn diện của bé, từ thể chất đến trí tuệ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể đến từ chế độ ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng, hấp thu kém hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Cùng Morinaga tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ ngay từ sớm!
1. Trẻ suy dinh dưỡng là gì?
Trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và vi chất cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất, trí tuệ cũng như sức khỏe tổng thể. Khi cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, trẻ dễ gặp phải các vấn đề tăng trưởng, phát triển chậm so với độ tuổi.
Trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng và vi chất cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển
Dựa vào các chỉ số tăng trưởng, suy dinh dưỡng trẻ em được chia thành ba thể phổ biến:
- Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Trẻ có cân nặng thấp hơn tiêu chuẩn so với bạn bè cùng tuổi và giới tính (dưới -2SD). Đây là dấu hiệu phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc đang diễn ra tại thời điểm đánh giá.
- Suy dinh dưỡng thấp còi: Trẻ không đạt được chiều cao tối ưu so với bạn bè cùng tuổi, cùng giới (dưới -2SD). Tình trạng này thường thể hiện tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, có thể bắt nguồn từ giai đoạn bào thai.
-
- Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Biểu hiện là lượng cơ và lượng mỡ giảm nghiêm trọng, phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính. Điều này có thể do trẻ không tăng cân hoặc sụt cân nhanh chóng.
Việc xác định đúng loại suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ giúp bố mẹ có biện pháp can thiệp phù hợp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và hỗ trợ bé phát triển toàn diện.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Có nhiều yếu tố dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó bao gồm:
- Sai lầm trong chăm sóc
Nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ cách xây dựng chế độ ăn hợp lý, chưa hiểu đúng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ để cung cấp đủ lượng ăn mà quá chiều theo sở thích của trẻ, để trẻ ăn uống không đảm bảo hoặc mất vệ sinh. Thói quen này kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng.
Hay việc cho trẻ bú mẹ hoặc ăn dặm sai cách, không bổ sung đủ vi chất hoặc kiêng khem quá mức đều có thể khiến trẻ không nhận đủ dưỡng chất cần thiết cũng có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng thấp còi hoặc chậm tăng cân.
- Cai sữa sớm hoặc ăn bổ sung muộn
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng, nhưng nếu dựa vào sữa quá lâu quá lâu mà không bổ sung thực phẩm phù hợp, trẻ có thể thiếu dưỡng chất, chậm phát triển.
Ngược lại, cho trẻ ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện có thể tăng nguy cơ dị ứng, tăng gánh nặng tiêu hoá và giảm hiệu quả hấp thu dinh dưỡng.
- Bệnh lý tiêu hóa và nhiễm khuẩn
Trẻ mắc các bệnh về nhiễm khuẩn đường ruột như nhiễm giun sán, ký sinh trùng gây rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu. Việc sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị nhiễm khuẩn cũng làm mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất.
- Bệnh tật kéo dài, tái nhiễm nhiều lần
Đây là một mắt xích của vòng xoắn bệnh lý. Nghĩa là, những trẻ suy dinh dưỡng có sự suy giảm hoạt động, chức năng của các hệ cơ quan trong đó có hệ miễn dịch. Điều này làm cơ thể đề kháng kém, dễ ốm bệnh, bệnh nặng, chậm hồi phục. Ngược lại, khi ốm khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, từ đó dẫn đến tình trạng bé bị suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc đúng cách và kịp thời.
- Vấn đề bẩm sinh và sinh non
Trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng bào thai hoặc mắc dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, tim bẩm sinh… thường kèm theo suy dinh dưỡng. Những em bé này cần chăm sóc dinh dưỡng tích cực bởi bác sĩ, chuyên gia nhằm giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
- Trẻ biếng ăn
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn gây thiếu hụt dinh dưỡng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Vì thế, cần kịp thời tìm hiểu nguyên nhân để cải thiện lượng ăn cho trẻ. Nếu không can thiệp sớm sẽ dẫn đến trẻ còi xương suy dinh dưỡng, thiếu cân, thiếu chất, phát triển kém.
- Yếu tố xã hội và môi trường
Điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn thực phẩm, dịch vụ y tế kém hoặc những tác động tiêu cực từ môi trường sống cũng có thể khiến trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Tình trạng biếng ăn kéo dài dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Việc xác định đúng nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ giúp bố mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc hợp lý, hỗ trợ bé phát triển toàn diện hơn.
- Dấu hiệu nhận biết trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Để nhận biết trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, chúng ta dựa vào chỉ số chiều cao theo tuổi. Khi mới sinh trẻ dài trung bình của trẻ khoảng 50 cm, 6 tháng dài 65 cm, 12 tháng là 75 cm, 2 tuổi khoảng 85 cm, 3 tuổi cao 95 cm, 4 tuổi cao 100 cm.
Sau đó, mỗi năm chiều cao tăng thêm 5 cm, khi bé 8 tuổi cao khoảng 120 cm. Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng “thấp còi” là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời.
Chiều dài của thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15, trong khi đó cân nặng đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến 34. Điều này có nghĩa mọi can thiệp nhằm cải thiện “chiều dài” của bào thai phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Vì thế, theo các chuyên gia, trong thời gian mang thai, ngay từ những tuần đầu tiên, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, can xi, sắt, vitamin A, các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác và đặc biệt là iốt cho thai tăng trưởng và dự trữ giúp bé phát triển những tháng đầu sau khi ra đời.
Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp ở trẻ bị suy dinh dưỡng:
- Cân nặng và chiều cao không tăng theo đúng chuẩn tăng trưởng
- Chậm phát triển vận động, kém linh hoạt
- Biếng ăn, ăn không ngon miệng
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt hoặc quấy khóc nhiều
- Vết thương lâu lành, dễ bị nhiễm trùng
- Bụng chướng nhưng cơ thể lại gầy yếu
- Cơ bắp mềm nhão, không săn chắc
- Da và tóc khô, xơ xác, dễ rụng tóc
- Dễ mắc các bệnh tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy tái phát
- Gặp khó khăn trong việc tập trung, chú ý
- Dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng hoặc có dấu hiệu trầm cảm nhẹ
Dấu hiệu suy dinh dưỡng phổ biến ở trẻ là chiều cao không tăng theo đúng chuẩn tăng trưởng
4. Những ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ
Suy dinh dưỡng không chỉ khiến trẻ thấp còi, nhẹ cân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và sức khỏe tổng thể. Khi cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết, trẻ dễ mắc bệnh, hệ miễn dịch suy yếu, quá trình tăng trưởng bị gián đoạn, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng học tập và tư duy sau này.
Dưới đây là những tác động tiêu biểu của suy dinh dưỡng trẻ em.
4.1 Gây suy giảm hệ miễn dịch
Thiếu hụt vi chất quan trọng như đạm, sắt, kẽm, vitamin A, D… khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy dinh dưỡng hoạt động kém hiệu quả. Trẻ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, hay mắc các bệnh lý do vi khuẩn, virus.
Việc phải sử dụng kháng sinh thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn làm trẻ biếng ăn, kém hấp thu, khiến tình trạng suy dinh dưỡng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, hay mắc các bệnh lý do vi khuẩn, virus
4.2 Gặp nhiều vấn đề về sức khỏe
Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe:
- Thiếu vitamin A: Khô giác mạc, quáng gà, suy giảm thị lực, nhiễm trùng.
- Thiếu sắt, đạm, vitamin nhóm B: Gây thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi.
- Thiếu canxi, kẽm, vitamin D, K: Làm suy yếu hệ xương, tăng nguy cơ còi xương, chậm mọc răng, chậm đi.
- Thiếu đạm: Gây phù nề, giảm sức đề kháng.
Trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh do cơ thể không có đủ dưỡng chất
4.3 Gây chậm phát triển
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, đặc biệt trong 1000 ngày đầu đời. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi không chỉ có vóc dáng nhỏ bé mà còn tiềm ẩn nguy cơ béo phì, bệnh lý chuyển hóa khi trưởng thành.
Não bộ cần nhiều dưỡng chất như DHA, Taurine, sắt, i-ốt, đường bột… để phát triển tối ưu trong những năm đầu đời. Thiếu hụt các vi chất này có thể khiến trẻ suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ kém, phát triển ngôn ngữ chậm. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng thường ít linh hoạt, ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng học tập và thích nghi xã hội sau này.
Hệ quả nghiêm trọng là trẻ chậm phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần
Việc phát hiện sớm và cải thiện tình trạng bé suy dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, đảm bảo tương lai khỏe mạnh và vững vàng hơn.
5. Cách cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em
Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng theo từng độ tuổi là yếu tố quan trọng giúp cải thiện hiệu quả điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ cũng như ngăn ngừa tình trạng tái phát. Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng để hỗ trợ trẻ bị suy dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh:
- Xây dựng thực đơn đầy đủ dưỡng chất: Cung cấp đầy đủ các nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất nhằm đảm bảo sự phục hồi và phát triển toàn diện của cơ thể.
- Tăng cường năng lượng trong khẩu phần ăn: Đa dạng món ăn hàng ngày, bổ sung thực phẩm giàu năng lượng như sữa, trứng, thịt, cá, dầu mỡ. Nên chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ hấp thu hơn, tránh tình trạng quá no hoặc biếng ăn do bị ép ăn quá nhiều.
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp khi trẻ ốm hoặc vừa khỏi bệnh: Khi sức khỏe còn yếu, nên ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa để giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.
- Theo dõi cân nặng và sức khỏe định kỳ: Theo dõi sự phát triển của trẻ thường xuyên, nếu có các dấu hiệu suy dinh dưỡng cần đưa bé đi khám dinh dưỡng để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo trẻ tăng trưởng đúng chuẩn và phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi.
Cần xây dựng thực đơn đầy đủ dưỡng chất cho bé
6. Cách phòng ngừa trẻ suy dinh dưỡng
Việc phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi cần bắt đầu với chế độ chăm sóc khoa học, đầy đủ dưỡng chất. Dưới đây là một số biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ:
- Chăm sóc dinh dưỡng từ khi mang thai: Mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ vi chất, khám thai định kỳ và tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt ngay từ trong bụng mẹ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu: Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tối ưu, cung cấp kháng thể giúp trẻ tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Bắt đầu ăn dặm đúng thời điểm: Từ 6 tháng tuổi, nên cho trẻ ăn dặm với thực phẩm dễ tiêu hóa, đảm bảo cân bằng đủ nhóm chất dinh dưỡng và chia nhỏ bữa ăn để trẻ hấp thu tốt hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Với trẻ lớn hơn, cần cân bằng bốn nhóm chất quan trọng (đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất), bổ sung rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu canxi để hỗ trợ phát triển thể chất.
- Cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ: Tăng cường thực phẩm tốt cho đường ruột như sữa chua, men vi sinh tự nhiên từ thực phẩm, giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn.
- Rèn luyện thói quen sinh hoạt khoa học: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Theo dõi cân nặng và sức khỏe định kỳ: Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng thường xuyên để phát hiện và can thiệp sớm nếu có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
- Tiêm phòng đầy đủ và phòng tránh bệnh tật: Chủ động tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý dễ gây suy dinh dưỡng như nhiễm khuẩn, bệnh hô hấp, tiêu hóa.
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng khi cần thiết: Nếu trẻ có nguy cơ thiếu vi chất (như sắt, canxi, kẽm, vitamin D…), có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Trẻ suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ và sức khỏe lâu dài. Việc nhận biết sớm dấu hiệu, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học và xây dựng lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa suy dinh dưỡng hiệu quả, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện. Để đảm bảo bé yêu luôn khỏe mạnh, cha mẹ nên theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ, thăm khám định kỳ và lựa chọn thực phẩm giàu dưỡng chất phù hợp.